Đi vay để vẽ tranh
Xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Đức Việt, Phó chủ nhiệm Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam nằm khép mình trong con ngõ nhỏ ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Là họa sĩ tự do nhưng Nguyễn Đức Việt luôn hà khắc với bản thân trong sáng tác. Mỗi ngày anh dành từ 8 đến 10 giờ cho công việc vẽ tranh, thậm chí nhiều hơn. Thường thì thời gian làm việc của anh bắt đầu từ rất sớm, làm một mạch đến 9 giờ sáng mới giải lao bằng ấm chè. Bất kể ngày nắng hay mưa, thói quen này được anh Việt xây dựng từ gần chục năm nay. Nhiều lần qua lại trò chuyện, Nguyễn Đức Việt coi chúng tôi như người bạn. Có lần anh tâm sự: “Vẽ tranh sơn mài phải biết chịu đói. Chịu được đói khổ mới rèn được chí lớn. Vẽ được một bức tranh tốn cả chục triệu đồng nguyên liệu, miệt mài lao động vài tháng nhưng bán tranh không dễ”.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Hải Dương, điều kiện kinh tế không có gì dư giả, vì thế, con đường anh gắn bó với tranh sơn mài cũng khá trầy trật. Anh tự tin khi nói rằng mình là một họa sĩ hiếm hoi dành trọn vẹn tình yêu với sơn mài. Vì ngoài công việc này, anh không làm thêm việc gì khác. Kể cả khi túng thiếu đi vay “chạy ăn” từng bữa, Nguyễn Đức Việt vẫn trung thành với sơn mài truyền thống: “Thấy hoàn cảnh của tôi khó khăn nhưng có niềm đam mê lớn, nhiều người rủ chép tranh để kiếm thêm thu nhập. Họ đưa ra lời mời rất hấp dẫn, nhưng tôi kiên quyết từ chối. Tôi lo, khi lao vào vòng xoáy dòng tranh chép không giữ được tâm nguyên vẹn cho tranh sơn mài”.
Đầu thập niên 2000, khi sơn công nghiệp ồ ạt vào thị trường Việt Nam, vì lợi nhuận, nhiều người quay lưng lại với sơn mài truyền thống. Điều xót xa hơn là tranh sơn công nghiệp bị đánh lận với tranh sơn mài truyền thống. Trong cơn bĩ cực đó, bứt thoát lên hoàn cảnh khó khăn, với niềm tin, tình yêu sơn mài luôn cháy rực, Nguyễn Đức Việt ấp ủ thành lập Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam. Đây là nhóm tự nguyện, dựa trên giá trị cốt lõi là tình yêu dành cho sơn ta-sơn mài, nét đẹp, đậm đà văn hóa dân tộc. Năm 2008, nhóm được ra đời với tên gọi: “Lộng lẫy vàng son”. Ban đầu chỉ có 3 người. Tuy nhiên, nhóm hoạt động được 3 năm do hiệu quả không cao nên tự giải thể. Năm 2013, Nguyễn Đức Việt tham dự triển lãm tranh sơn mài ở Trung Quốc. Tại đây, anh bất ngờ vì người nước ngoài dành sự quan tâm và tình yêu rất lớn đối với tranh sơn mài Việt Nam. Bảo tàng Bắc Kinh hỏi mua bức “Bên thềm nhà” của Nguyễn Đức Việt với giá 10.000USD. Dù rất nuối tiếc nhưng Nguyễn Đức Việt cho rằng: “Nếu tư nhân hỏi mua thì nhất định tôi không bán. Nhưng là bảo tàng cấp quốc gia thì khác. Bức tranh được đặt ở Bảo tàng Bắc Kinh, một địa chỉ văn hóa uy tín trên thế giới nên tôi đồng ý. Tôi ý thức rằng, khi bức tranh được treo ở đây, ý nghĩa không chỉ ở mức độ cá nhân mà đại diện, quảng bá cho văn hóa truyền thống của hội họa sơn mài đương đại Việt Nam”.
Từ thành công đó, niềm say mê tranh sơn mài trong Nguyễn Đức Việt càng thêm cháy bỏng, mãnh liệt. Anh luôn mơ ước xây dựng được một cộng đồng đông đảo những người hiểu và yêu dòng tranh sơn mài sang trọng, đậm nét văn hóa dân tộc. Anh kiên trì làm từng bước bài bản, trước tiên vẫn là tập hợp những người yêu sơn ta, gồm cả các nghệ nhân sơn ta, vóc, đến nghệ nhân làng nghề làm quỳ vàng, bạc, họa sĩ trong và ngoài nước. Ngay sau khi triển lãm tranh sơn mài tại Trung Quốc kết thúc, về nước, Nguyễn Đức Việt lại bắt tay ngay vào ý tưởng thành lập Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam.
Viết tiếp giấc mơ vàng son
Với kinh nghiệm tích lũy từ việc thành lập nhóm sơn ta “Lộng lẫy vàng son”, năm 2013, Nguyễn Đức Việt tìm gặp họa sĩ Nguyễn Trường Linh, người gắn bó nhiều năm với sơn ta và tranh sơn mài, đồng thời là Phó trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (hiện nay, Nguyễn Trường Linh là Trưởng khoa Mỹ thuật). Sau một hồi trao đổi cả hai đều mừng rỡ vì gặp được người có chung lý tưởng. Cùng thời điểm đó, tháng 4-2013, Nguyễn Trường Linh là họa sĩ đầu tiên của hội họa Việt Nam mở triển lãm tranh sơn mài tại TP Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc). Một nhà phê bình mỹ thuật Đài Loan tâm sự với Nguyễn Trường Linh: “Triển lãm như một luồng gió lạ mang đến sự huyền bí, ánh sáng, hào quang rực rỡ của nghệ thuật sơn mài Việt. Khán giả đi từ ngạc nhiên đến thán phục trước nghệ thuật sơn mài Việt Nam và họ hy vọng sẽ lại được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm khác của họa sĩ trong những năm sau”. Chính những lời nhận xét đó nung nấu trong Trường Linh suy nghĩ: “Có rất nhiều người trong nước và nước ngoài yêu thích tranh sơn mài Việt Nam nhưng để tiếp cận được với tranh thật không phải là điều dễ dàng. Làm thế nào để tập hợp những người yêu sơn ta-sơn mài, đưa ra cho công chúng những tác phẩm chất lượng. Đây là một hướng đi vừa giải quyết vấn đề mưu sinh, đồng thời khơi gợi và phát huy giá trị tốt đẹp dòng tranh cao quý của dân tộc”.
Từ khi thành lập Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam, những người tham gia thống nhất bầu họa sĩ Nguyễn Trường Linh làm chủ nhiệm nhóm. Họa sĩ Nguyễn Đức Việt là phó chủ nhiệm. Ngoài họa sĩ, nhóm mời thêm nhiều người là nghệ nhân sơn ta, nghệ nhân các làng nghề thủ công quỳ vàng, quỳ bạc, các chuyên gia, nhà phê bình mỹ thuật. Ban đầu thành lập nhóm có gần 30 người.
Đánh dấu cho sự kiện ra đời Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam, tháng 7-2013, lần đầu tiên một cuộc triển lãm các tác phẩm tranh được làm từ sơn ta thuần khiết được tổ chức. Cuộc triển lãm gây được tiếng vang trong giới họa sĩ và những người yêu tranh. Nói về các tác giả, tác phẩm tham dự triển lãm lần đầu, họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng: “Tuy tuổi đời, tuổi nghề, phong cách và quan điểm nghệ thuật khác nhau, nhưng tất cả đều yêu chất liệu đầy mê hoặc này với tinh thần kế thừa, phát huy, tìm tòi sáng tạo nhằm góp thêm tiếng nói khẳng định những giá trị độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam”. Quả thật, trong dòng chảy văn hóa Việt, theo chiều dài của thời gian, biến cố của lịch sử, tình yêu sơn ta khi âm ỉ, lúc tỏa sáng, thăng hoa nhưng thời nào cũng được người dân Việt Nam say mê, có ý thức giữ gìn.
Trong năm 2019, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trương chấn hưng sơn mài Việt Nam bằng đề án quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”. Chia sẻ về đề án này, họa sĩ Nguyễn Đức Việt cho rằng, nhắc đến sơn mài, thế giới nghĩ ngay tới Việt Nam. Những thành tựu về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Từ một chất liệu thủ công truyền thống, nhiều thế hệ họa sĩ, khởi đầu từ các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20, như: Phạm Hậu,
Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí… đã đưa sơn mài trở thành một chất liệu hội họa độc đáo của riêng Việt Nam. Nhiều bức sơn mài trở thành “Bảo vật quốc gia” như: “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ trong vườn” và “Phong cảnh” của danh họa Nguyễn Gia Trí; “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, “Thanh niên thành đồng” của Nguyễn Sáng; “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của Dương Bích Liên; “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm… Những dấu ấn vàng son đó như minh chứng bằng vàng để thế hệ sau soi chiếu và nỗ lực. Họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho biết: “Kể từ khi Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam được thành lập, đặc biệt là những thành công sau 3 lần tổ chức triển lãm nhóm trong nước và hai lần các thành viên của nhóm gửi tranh tham dự triển lãm quốc tế tại Hàn Quốc và Nga, số họa sĩ quay trở lại với tranh sơn mài truyền thống ngày càng tăng”. Một tín hiệu đáng mừng hơn, ở trong nước đã có nhiều nhà sưu tập tranh sơn mài, sưu tập tranh của những họa sĩ đương đại.
Mới đây, họa sĩ Nguyễn Đức Việt thông tin, anh nhận được lời mời, năm 2020 tham dự triển lãm tranh sơn mài tại một số nước, như: Italy, Canada. Chia sẻ niềm vui đó Nguyễn Đức Việt nói: “Tranh sơn mài truyền thống có ngôn ngữ giao tiếp riêng. Có nhiều người trong và ngoài nước chưa bao giờ gặp mặt tôi, nhưng thông qua tác phẩm, tình cảm, sự yêu mến nảy sinh. Không chỉ riêng tôi mà nhiều họa sĩ sơn mài Việt Nam cũng có vinh dự này”. Với nghệ thuật sơn mài, chừng ấy để nói bước đầu của quá trình phục hưng e là hơi sớm. Tuy nhiên, với nhiều họa sĩ trong Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam mà chúng tôi gặp mặt thì đó là động lực rất lớn để họ theo đuổi viết tiếp câu chuyện vàng son sơn mài Việt Nam.
Được biết đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” đưa ra vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Về cơ bản, các ý kiến đều đánh giá cao giá trị văn hóa, nghệ thuật của tranh sơn mài nhưng họ còn e ngại sự cạnh tranh của sơn công nghiệp, việc bán tranh, lo bảo đảm cuộc sống của người làm tranh sơn mài. Trước các ý kiến trên, chúng tôi xin lấy một câu đại ý của họa sĩ Nguyễn Đức Việt: “Vàng là duy nhất, và sơn mài cũng vậy. Tranh sơn mài truyền thống là nét đặc sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Để đưa sơn mài Việt Nam trở lại đỉnh cao vốn có không thể pha tạp với những chất liệu phi truyền thống. Sẽ còn rất nhiều câu chuyện mưu sinh xung quanh việc phát triển sơn ta-sơn mài. Tuy nhiên, nhìn từ các tiền nhân muốn có bức tranh để đời mang hồn cốt dân tộc thì không thể xen lẫn với tính toán tiền bạc. Nhà nước và các nhà quản lý muốn có bức tranh tốt cũng cần tính toán đến điều này”.